Sự nghiệp Hanyu Yuzuru

Bắt đầu thi đấu

Hanyu bắt đầu trượt băng lúc 4 tuổi khi theo chị gái đến sân băng. Cậu tham gia thi đấu lần đầu tiên ở giải quốc gia cấp độ Thiếu nhi (Novice) vào mùa giải 2004-2005. Cậu thi đấu cấp độ Thiếu nhi B là cấp độ trẻ hơn trong hai cấp độ Thiếu nhi và giành huy chương vàng ở giải toàn quốc.[1]

Sau đó sân băng tại quê nhà đóng cửa do vấn đề tài chính, khiến cậu thiếu thời gian tập luyện. Abe Nanami trở thành huấn luyện viên của cậu vào thời điểm này. Trong mùa giải 2006-2007, Hanyu thi đấu ở cấp độ Thiếu nhi A và đạt huy chương đồng.[2] Nhờ đó cậu được tham gia giải đấu ở cấp độ cao hơn là cấp độ Thiếu niên (Junior) và giành vị trí thứ 7.[3]

Sân băng Hanyu tập luyện tái mở cửa vào năm 2007. Cậu thi đấu ở cấp độ Thiếu nhi A và giành chiến thắng.[4] Nhờ đó cậu được tham dự giải cao hơn là Thiếu niên Nhật Bản 2007 và giành huy chương đồng.[5]

Cấp độ Thiếu niên (Junior)

Mùa giải 2008-2009: Chuyển lên cấp độ thiếu niên

Hanyu chuyển hẳn lên cấp độ Thiếu niên (Junior) và thi đấu trong hệ thống Grand Prix Thiếu niên của Liên đoàn trượt băng thế giới ISU. Sau loạt giải Grand Prix Thiếu niên, cậu tham gia giải Thiếu niên Nhật Bản 2008 và thắng cuộc,[6] Hanyu đạt đủ tiêu chuẩn tham dự giải Thiếu niên Thế giới 2009.

Khi mới 13 tuổi, cậu tham gia thi đấu giải Vô địch toàn Nhật Bản 2008 và xếp hạng thứ 8.[7] Tháng 2/2009, tại giải Thiếu niên thế giới 2009, Hanyu thi đấu không tốt do cơ thể còn đang lớn và chưa thích nghi được với kỹ thuật, cậu xếp thứ 12 chung cuộc.

Mùa giải 2009-2010: Vô địch GPF thiếu niên và Thiếu niên thế giới

Yuzuru Hanyu tại Giải vô địch thiếu niên thế giới 2010

Trong mùa giải 2009-2010, Hanyu chiến thắng cả hai giải Grand Prix Thiếu niên. Tại giải Thiếu niên Nhật Bản 2009, cậu thắng phần thi ngắn, đứng thứ 2 sau phần thi tự do và giành chiến thắng chung cuộc.[8] Sau đó, cậu tham dự Grand Prix Final Thiếu niên 2009-2010, tại đây, cậu giành chiến thắng và lập kỉ luc cá nhân mới.[9]

Trong mùa này cậu cũng tham gia tranh giải Vô địch toàn Nhật Bản 2009 và giành vị trí thứ 6. Nhờ vào thành tích này, Hanyu được chọn thi đấu giải Thiếu niên Thế giới 2010. Cậu chiến thắng chung cuộc sau khi xếp thứ 3 sau phần thi ngắn và thứ nhất phần thi tự do, lập kỉ lục cá nhân với tổng điểm là 216,10, trở thành vận động viên nam thứ tư của Nhật Bản chiến thắng giải Thiếu niên Thế giới.[10]

Cấp độ Trưởng Thành (Senior)

Mùa giải 2010-2011: Huy chương bạc Four Continents

Hanyu chuyển lên cấp độ Trưởng thành vào mùa giải 2010-2011. Trong hệ thống giải Grand Prix của ISU mùa này, cậu thi đấu tại NHK Trophy 2010 và Cup of Russia 2011.[11] Tại NHK Trophy, Hanyu đứng vị trí thứ 5 sau phần thi ngắn; trong phần thi tự do, Hanyu đã thực hiện thành công cú quad Toe loop (4T) đầu tiên của mình trong hệ thống giải ISU và xếp thứ 4 chung cuộc. Hanyu kết thúc với vị trí thứ 7 tại giải Cup of Russia. Trong giải Vô địch toàn Nhật Bản 2010, Hanyu xếp thứ 2 sau phần thi ngắn, bị ngã trong phần thi tự do và chung cuộc xếp thứ 4. Nhờ thành tích này, cậu được chọn đi thi đấu ở giải Four Continents 2011, tại đây cậu giành được huy chương bạc và đạt được kỉ lục cá nhân mới.

Khi Hanyu đang tập trên sân trượt băng ở quê nhà Sendai thì trận động đất và sóng thần Tōhoku 2011 tấn công thành phố và các khu vực xung quanh. Đường ống nước dưới mặt băng bị bung ra vì tác động của động đất và sóng thần. Hanyu phải chuyển sang tập luyên ở YokohamaHachinohe, Aomori cho tới khi sân băng ở quê nhà được mở lại vào tháng 7 năm 2011. Suốt mùa hè năm 2011, cậu đã tham gia tận 60 show trượt băng và xem đó như là dịp để luyện tập. Vào tháng 4/2011, cậu và các vận động viên trượt băng khác tham gia vào một chương trình trượt băng để gây quỹ cho những nạn nhân của động đất và sóng thần Tōhoku 2011.

Mùa giải 2011-2012: Huy chương đồng Giải vô địch thế giới

Hanyu cùng cựu huấn luyện viên Abe Nanami tại giải Rostelecom Cup 2011.

Hanyu bắt đầu mùa giải 2011-2012 với chiến thắng tại giải Nebelhorn Trophy 2011. Cậu xếp thứ nhất ở cả hai phần thi với tổng điểm 226,26. Trong hệ thống giải Grand Prix 2011-2012, cậu tham gia thi đấu tại Cup of China 2011 và Rostelecom Cup 2011.[12] Cậu kết thúc ở vị trí thứ 4 tại Cup of China, sau đó chiến thắng Rostelecom Cup với một kỉ lục cá nhân mới, nhờ đó, cậu đủ điều kiện tham gia Grand Prix Final cấp độ Trưởng thành lần đầu tiên, tại đây cậu xếp thứ 4.

Cùng năm, Hanyu giành huy chương đồng tại giải Vô địch toàn Nhật Bản 2011, giành được suất trong đội tuyển Nhật Bản đi thi đấu tại giải Vô địch Thế giới 2012. Tại giải thế giới, Hanyu xếp thứ 7 sau phần thi ngắn nhưng vươn lên vị trí thứ 2 sau phần thi tự do. Cậu giành được huy chương đồng chung cuộc với tổng điểm 251,06, xếp sau huy chương vàng Patrick Chan của Canada và huy chương bạc là đồng đội Daisuke Takahashi.

Tháng 4/2012, Hanyu chuyển đến Toronto (Canada) để theo học huấn luyện viên Brian Orser. Brian Orser từng hai lần giành huy chương bạc Olympic và nổi tiếng với việc dẫn dắt Kim Yuna (Hàn Quốc) giành huy chương vàng Olympic 2010. Từ đây, Hanyu phải thường xuyên bay tới Toronto trong khi vẫn đang học trung học ở Sendai. Sau khi chuyển tới Canada, Hanyu tăng thời gian luyện tập trên sân băng lên 3-4 tiếng/ngày so với 1-2 tiếng/ngày so với trước đó. Sự thay đổi này là do nhiều nguyên nhân, từ việc hạn chế thời gian luyện tập ở Sendai do phải đi học và căn bệnh hen suyễn bẩm sinh. Trong tháng 4 năm này, Hanyu xuất bản cuốn hồi ký có tên "Ngọn lửa xanh" ở Nhật Bản, cậu giành toàn bộ tiền bản quyền tác giả và lợi nhuận cho Quỹ từ thiện nạn nhân động đất và sóng thần Tōhoku 2011.

Mùa giải 2012-2013: Danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên

Hanyu cùng huấn liện viên Brian Orser

Hanyu bắt đầu mùa giải bằng huy chương vàng tại giải Finlandia Trophy 2012. Anh thực hiện 2 cú nhảy quad gồm quad Toe và quad Salchow (4S) trong phần thi tự do. Đây là lần đầu tiên Hanyu thực hiện 4S khi thi đấu.

Trong giải Grand Prix đầu tiên của mùa là Skate America 2012, Hanyu thiết lập kỷ lục mới cho phần thi ngắn với 95,07 điểm, giành huy chương bạc. Trong giải đấu thứ hai - NHK Trophy 2012 ở Sendai, anh ghi được 95,32 điểm phần thi ngắn, tiếp tục lập kỉ lục thế giới mới và giành huy chương vàng trên quê hương. Nhờ đó Hanyu đủ tiêu chuẩn cho giải Grand Prix Final 2012-2013 ở Sochi, anh giành huy chương bạc trong giải này.

Tháng 1/2013, khi mới 18 tuổi, Hanyu giành được danh hiệu quốc gia đầu tiên tại Giải Vô địch toàn Nhật Bản 2012 sau khi đứng thứ nhất cả 2 phần thi, vượt qua ngôi sao của Nhật Bản thời đó là Daisuke Takahashi. Anh đạt huy chương bạc tại Four Continents 2013 diễn ra sau đó.

Ở giải Vô Địch Thế giới 2013, anh bị chấn thương nên phong độ rất kém nhưng vẫn cố gắng thi đấu, anh đứng thứ 9 ở phần thi ngắn, thứ 3 phần thi tự do và thứ 4 chung cuộc. Mặc dù không giành huy chương, nhưng thành tích này của Hanyu đã giúp cho đội tuyển Nhật Bản có được 3 suất đơn nam tham dự Olympic Sochi được tổ chức vào năm 2014.

Mùa giải 2013-2014: Vận động viên đơn nam châu Á đầu tiên vô địch Olympic

Tại Thế vận hội Mùa đông 2014, Hanyu đã trở thành vận động viên đầu tiên giành huy chương vàng Olympic cho hạng mục trượt băng đơn nam của Nhật Bản

Hanyu bắt đầu mùa thi đấu với giải Finlandia Trophy 2013, anh giành huy chương vàng sau khi đứng thứ nhất cả 2 phần thi. Anh cũng giành được huy chương bạc ở 2 giải Grand Prix là Skate Canada 2013 và Trophée Eric Bompard 2013, giúp anh đủ điều kiện tham gia Grand Prix Final 2013-2014.

Tại Grand Prix Final 2013-2014 tổ chức tại Fukuoka, Hanyu lập kỉ lục thế giới mới trong phần thi ngắn với 99,84 điểm và giành được huy chương vàng chung cuộc sau khi đứng đầu ở cả hai bài thi, đánh bại nhà vô địch thế giới Patrick Chan.

Tháng 11/2013, Hanyu giành được danh hiệu quốc gia thứ 2 sau khi đứng nhất ở cả hai phần thi. Anh được gọi vào đội tuyển quốc gia Nhật Bản tham gia Olympic mùa đông 2014Vô địch Thế giới 2014.

Tại Olympic 2014 tổ chức tại Sochi, Hanyu đã phá vỡ kỉ lục thế giới do chính mình thiết lập vào tháng 12/2013, ghi được 101,45 điểm cho phần thi ngắn. Anh là vận động viên đầu tiên đạt trên 100 điểm đối với phần thi này. Hanyu mắc lỗi trong phần thi tự do nhưng vẫn đủ để đứng nhất chung cuộc và ghi tên vào lịch sử với tư cách vận động viên châu Á đầu tiên giành huy chương vàng hạng mục đơn nam.

Tháng 3/2014, Hanyu xếp thứ 3 phần thi ngắn, và xếp thứ nhất phần thi tự do và giành huy chương vàng chung cuộc tại giải Vô Địch Thế giới 2014 ở Saitama (Nhật Bản) với 0,33 điểm cách biệt trước người về nhì Tatsuki Machida. Anh là người thứ hai chiến thắng cả 3 giải đấu lớn là Olympic, Vô địch thế giới, Grand Prix Final trong cùng một mùa giải sau Alexei Yagudin (mùa giải 2001-2002).

Mùa giải 2014-2015: Vô địch Grand Prix Final lần thứ 2

Hanyu thực hiện bài thi tự do tại Cup of China 2014 sau tai nạn trong 6 phút khởi động trước bài thi.

Hanyu rút tên khỏi danh sách tham gia Finlandia Trophy 2014 bởi chấn thương lưng. Tháng 11/2014, anh tham gia Cup of China 2014 thuộc hệ thống Grand Prix tại Thượng Hải, xếp thứ 2 sau phần thi ngắn. Ngay trước phần thi tự do, anh đã va chạm mạnh trên sân băng với vận động viên người Trung Quốc Han Yan trong 6 phút khởi động và bị nhiều chấn thương, phải băng bó ở trán và cằm. Sau đó, anh tiếp tục tham gia thi đấu, ngã 5 lần, xếp thứ 2 phần thi tự do và về nhì chung cuộc. Sau cuộc thi, anh phải khâu vết thương trên đầu và cằm, rồi quay về Nhật ngày hôm sau để kiểm tra chấn thương. Ngoài vết thương tại đầu và cằm, anh bị thương ở cơ hoành và đùi trái, bong gân mắt cá chân phải.

Cuối tháng 11, Hanyu vẫn tiếp tục thi đấu tại NHK Trophy trong khuôn khổ Grand Prix, dù chưa hoàn toàn hồi phục. Anh xếp thứ 5 phần thi ngắn và thứ 3 phần thi tự do, đứng thứ 4 chung cuộc. Anh vừa đủ điểm tham gia Grand Prix Final 2014-2015 tại Barcelona, Tây Ban Nha vào tháng 12. Tại đây, anh về nhất cả hai phần thi và vô địch Grand Prix Final lần thứ 2 liên tiếp, đồng thời trở thành vận động viên đơn nam đầu tiên chiến thắng cả 3 giải Grand Prix Final, OlympicVô địch thế giới trong cùng một năm.[13]

Cuối tháng 12, Hanyu lần thứ 3 liên tiếp chiến thắng giải Vô địch toàn Nhật Bản 2014 sau khi về nhất cả hai phần thi. Ngay sau cuộc thi, anh phải tiến hành phẫu thuật bụng bởi một biến chứng bẩm sinh. Anh mất khá nhiều thời gian để hồi phục vì bác sĩ yêu cầu phải nằm viện, điều này ảnh hưởng rất nhiều tới phong độ thi đấu của Hanyu tại giải Vô địch Thế giới 2015. Dù vậy, anh vẫn đoạt huy chương bạc tại giải này. Sau đó anh tham gia giải World Team Trophy 2015 tại Nhật Bản và đứng nhất ở cả hai phần thi cá nhân, giành huy chương đồng chung cuộc.

Mùa giải 2015-2016: 6 kỷ lục thế giới với SEIMEI

Hanyu tại Grand Prix Final 2015-2016

Hanyu sử dụng lại bài thi ngắn của mùa giải trước là Ballade no.1 (Chopin), do Jeffrey Buttle biên đạo, và bài thi tự do mới mang tên SEIMEI (ghép từ 7 bản nhạc nền của bộ phim Âm Dương sư), biên đạo bởi Shae-Lynn Bourne.

Hanyu giành huy chương vàng giải Autumn Classic 2015 tại Canada. 1 tháng sau đó, anh về nhì tại Skate Canada 2015 thuộc hệ thống giải Grand Prix. Tiếp theo anh vô địch giải NHK Trophy, lập 3 kỷ lục thế giới với 106,33 cho phần thi ngắn, 216,07 cho phần thi tự do và 322,40 điểm tổng, đồng thời trở thành người đầu tiên vượt mốc 200 điểm cho phần thi tự do và 300 điểm tổng.[14] Tháng 12, anh vô địch Grand Prix Final 2015-2016 lần thứ 3 liên tiếp tại Barcelona. Hơn nữa, anh còn phá vỡ 3 kỷ lục thế giới chính mình lập ra 2 tuần trước đó, trở thành người đầu tiên vượt mức 110 điểm cho phần thi ngắn và 330 điểm cho phần thi tự do.[15]

Cuối tháng 12/2015, anh vô địch Nhật Bản lần thứ 4 liên tiếp.

Sau giải quốc gia, Hanyu phải nghỉ tập luyện suốt 2 tháng do chấn thương chân trái. Nguyên nhân là do anh tập nhảy cú 4T quá nhiều dẫn đến tổn thương sâu và ảnh hưởng tới các cú nhảy khác. Dù đã dùng thuốc giảm đau nhưng chấn thương vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ của anh. Hanyu tham dự giải Vô địch thế giới 2016 tại Boston trong tình trạng chấn thương. Phần thi ngắn anh thi khá tốt, nhưng sau đó anh mắc lỗi ở phần thi tự do vì chân sưng to gây đau đớn. Chung cuộc, anh giành huy chương bạc. Chấn thương này khiến Hanyu phải nghỉ tập luyện suốt 3 tháng sau Giải vô địch thế giới.[16]

Mùa giải 2016-2017: Danh hiệu Vô địch Thế giới thứ 2

Hanyu (giữa) tại giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật Thế giới 2017

Mùa giải này Hanyu sử dụng nhạc nền bài thi ngắn là "Let's go crazy" của danh ca quá cố Prince, bài thi tự do "Hope and Legacy", kết hợp từ hai bản nhạc "Asian Dream song" và "View of Silence" của Hisaishi Joe, do Shae-lynn Bourne biên đạo.

Hanyu tham dự giải Autumn Classic International 2016, anh giành huy chương vàng và trở thành người đầu tiên trong lịch sử thực hiện thành công cú nhảy Quad Loop (4Lo) trong thi đấu chính thức. Tiếp đó anh về nhì tại Skate Canada 2016. Tại NHK Trophy 2016, bài thi ngắn của Hanyu đạt 103,89 điểm và bài thi tự do đạt 197,58 điểm (dẫn đầu trong cả hai phần thi), giành tổng điểm là 301,47 để trở thành nhà vô địch. Tại Grand Prix Final 2016-2017, Hanyu vô địch lần thứ 4 liên tiếp sau khi đứng nhất phần thi ngắn và đứng thứ 3 phần thi tự do.

Hanyu thông báo rút khỏi giải Vô địch toàn Nhật Bản 2016 do mắc bệnh cúm. Mặc dù vậy anh vẫn được lựa chọn để cạnh tranh tại Four Continents 2017 và Giải vô địch Thế giới 2017.

Tại Four Continents 2017, Hanyu xếp thứ 3 sau phần thi ngắn với số điểm 97,04 điểm theo sau Nathan Chen (thứ nhất) 6 điểm và 3,5 điểm sau Uno Shoma (thứ hai). Trong phần thi tự do, anh đã thay đổi thứ tự các cú nhảy và thắng phần thi tự do với 206,67 điểm, chung cuộc giành huy chương bạc sau Nathan Chen (ít hơn 4 điểm) và hơn huy chương đồng Uno Shoma 15 điểm.

Tại Giải Vô địch Thế giới 2017 tổ chức ở Phần Lan, Hanyu xếp thứ 5 sau bài thi ngắn với số điểm 98,39 do bị lỗi cú nhảy kết hợp và bị trừ điểm bắt đầu muộn. Trong phần thi tự do, Hanyu đã thực hiện một bài thi hoàn hảo và ghi được 223,20 điểm, phá kỷ lục thế giới của chính mình lần thứ 11, đồng thời trở thành người đầu tiên chinh phục mốc điểm 220. Chung cuộc, anh giành huy chương vàng.

Mùa giải 2017-2018: Huy chương vàng Olympic thứ 2

Hanyu sử dụng lại bài thi ngắn "Ballade No.1" (mùa giải 2014-2015, 2015-2016) và bài thi tự do "Seimei" (mùa giải 2015-2016) với cấu trúc dự định khó hơn. Cụ thể anh tăng tổng số lượng quad lên đến 7 cú nhảy (bài thi ngắn 2, bài thi tự do 5), bổ sung cú nhảy khó nhất là quad Lutz (4Lz).

Tại giải Autumn Classic International 2017, bài thi ngắn của Hanyu đạt 112,72 điểm, phá vỡ kỷ lục thế giới do chính anh lập nên ở Grand Prix Final 2015-2016. Hanyu thực hiện tốt toàn bộ các cú nhảy, 2 trong số đó nhận được điểm thưởng tuyệt đối (GOE +3). Anh không sử dụng cú 4Lo do cơn đau ở đầu gối phải. Ở phần thi tự do, anh nhảy hỏng cú nhảy đầu tiên từ 3Lz thành 1Lz, ngã ở cú 3A, tiếp đó không hoàn thành 3 cú nhảy theo dự định và tiếp đất xấu cú 4T, bị giảm độ khó. Hanyu được 155,52 điểm và về nhì sau Javier Fernandez.

Tại Rostelecom Cup 2017, Hanyu đứng thứ 2 sau bài thi ngắn. Anh xoay không đủ vòng cú 4T đầu tiên và gần như mất thăng bằng sau khi tiếp đất, đồng thời ngã ở tổ hợp 4T+3T cuối cùng. Ngày tiếp theo, Hanyu lần đầu tiên thực hiện thành công cú nhảy 4Lz trong phần thi tự do. Mặc dù mắc lỗi ở 2 trong số những lần nhảy còn lại, anh về nhất phần thi tự do với 195,92 điểm. Chung cuộc, Hanyu giành huy chương bạc.

Ngày 09/11/2017, Hanyu bị chấn thương dây chằng mắt cá chân phải trong khi tập cú nhảy 4Lz, khiến anh phải rút lui khỏi giải NHK Trophy, đồng nghĩa từ bỏ cơ hội giành chức vô địch Grand Prix Final lần thứ 5 liên tiếp. Vì việc hồi phục kéo dài hơn dự tính, Hanyu tiếp tục phải rút lui khỏi giải Vô địch toàn Nhật Bản 2017. Mặc dù không thể có mặt tại giải đấu quyết định suất tham dự Olympic này, anh vẫn có một chân trong đội tuyển nhờ giữ vị trí số 1 trong Bảng xếp hạng thế giới và vai trò đương kim vô địch thế giới.

Ngày 24/12/2017, Liên đoàn Trượt băng Nhật bản chính thức thông báo Hanyu sẽ đại diện cho Nhật Bản tranh tài tại Olympic Pyeongchang 2018Giải Vô địch Thế giới 2018 tại Milan, Italy. Ngày 03/2/2018, Liên đoàn thông báo Hanyu sẽ không tham gia hạng mục đồng đội ở Olympic để tập trung huấn luyện tại Toronto chuẩn bị cho hạng mục cá nhân.

Olympic Mùa Đông 2018

Yuzuru Hanyu cùng Uno Shoma (trái) và Javier Fernandez (phải) tại Olympic 2018

Hanyu có mặt tại Hàn Quốc vào ngày 11/02/2018, dưới sự bảo vệ của đội ngũ an ninh và sự săn đón mạnh mẽ của giới truyền thông. Các buổi tập luyện của anh ở Olympic luôn là mục tiêu của báo chí và có sự tham gia của hàng trăm phóng viên. Tại buổi họp báo chính thức của Hanyu ngày 13/02, anh cho biết đã không thể tập luyện trên sân băng cho đến tận tháng 1 và bắt đầu tập nhảy 3 vòng chỉ 3 tuần và nhảy 4 vòng chỉ 2 tuần trước giải đấu, đồng thời vẫn chưa quyết định yếu tố kỹ thuật nào sẽ được sử dụng trong bài thi. Sau các buổi tập, anh quyết định không dùng đến 4Lo trong bài thi, vốn là cú nhảy tạo áp lực lên chân phải khi bật nhảy lẫn khi tiếp đất, mà chỉ sử dụng 4T và 4S là hai loại quad dễ nhất và ít gây áp lực lên chân phải.

Ngày 16/02, Hanyu biểu diễn một bài thi ngắn xuất chúng, giành được 111,68 điểm, giúp anh dẫn đầu. Điểm số này chỉ thấp hơn 1,04 điểm so với kỷ lục cá nhân của anh, đồng thời cũng là kỷ lục thế giới hiện tại. Ngày tiếp theo, anh đạt 206,17 điểm với bài thi tự do khá tốt gồm 4 cú quad, 3 trong số đó tiếp đất hoàn hảo. Tổng số điểm 317,85 giúp anh giành ngôi vô địch Olympic lần thứ 2 liên tiếp, một thành tích mà chưa một vận động viên đơn nam nào đạt được được kể từ thời Dick Button (1948, 1952). Huy chương vàng của Hanyu cũng là huy chương thứ 1000 trong lịch sử Thế vận hội mùa đông. Đứng chung bục nhận giải với anh là người đồng hương Uno Shoma (huy chương bạc) và người bạn cùng CLB Javier Fernandez (huy chương đồng).

Trong buổi họp báo ngày 18/02, Hanyu cho biết anh đã phải sử dụng thuốc giảm đau liều mạnh khi tập luyện và thi đấu ở Olympic lần này, nhấn mạnh rằng nếu không dùng thuốc, anh không thể bật nhảy hoặc tiếp đất. Chấn thương mà Hanyu gặp phải từ tháng 11 khiến anh không thể thi đấu trong 3 tháng liên tục và phải giảm độ khó của bài thi nghiêm trọng hơn dự đoán. Anh chia sẻ rằng kế hoạch thi đấu trong tương lai của anh vẫn chưa được quyết định bởi chấn thương vẫn chưa lành và anh muốn tập trung hồi phục hoàn toàn. Mặc dù vậy, anh nói không có ý định giải nghệ, mục tiêu tiếp theo là thực hiện thành công cú quad Axel (4A: 4,5 vòng Axel), cú nhảy mà chưa một ai thực hiện được.

Sau Olympic, Liên đoàn trượt băng Nhật Bản thông báo Hanyu sẽ không tham dự Giải vô địch thế giới 2018, theo đó, anh cần nghỉ ngơi sau kỳ Olympic căng thẳng và 3 tháng để phục hồi chấn thương.[17]

Mùa giải 2018-2019: Tái chấn thương và huy chương bạc Thế giới

Mùa giải này Hanyu sử dụng các bản nhạc nền từ bài thi nổi tiếng nhất của Evgeni Plushenko (Nga) và Johnny Weir (Mỹ) - thần tượng trong giới trượt băng của anh. Bài thi ngắn có tên "Otoñal" do Jeffrey Buttle biên đạo, bài thi tự do "Origin", biên đạo bởi Shae-Lynn Bourne.[18]

Cuối tháng 9/2018, tại giải Autumn Classic International 2018, anh đạt 97,74 điểm cho phần thi ngắn, 165,91 điểm cho phần thi tự do, giành huy chương vàng giải đấu.

Đầu tháng 11/2018, tại giải Grand Prix Helsinki (Phần Lan), Hanyu thiết lập 3 kỷ lục thế giới đối với phần thi ngắn (106,69 điểm), phần thi tự do (190,43 điểm) và điểm tổng (297,12 điểm) theo luật tính điểm mới[19] và giành huy chương vàng[20], đồng thời trở thành người đầu tiên thực hiện thành công chuỗi cú nhảy 4T+3A+SEQ trong thi đấu.

Yuzuru Hanyu tại lễ trao giải Rostelecom Cup 2018

Tại giải Rostelecom Cup (Nga), Hanyu lập kỷ lục mới cho phần thi ngắn với 110,53 điểm. Ngày tiếp theo, anh bị tái chấn thương chân phải khi tập cú nhảy 4Lo. Anh quyết định giảm độ khó của bài thi tự do để tiếp tục thi đấu và chiến thắng với tổng điểm 278,42. Tại lễ trao giải, Hanyu phải chống nạng để bước lên bục huy chương và rút tên khỏi Gala biểu diễn. Chấn thương này khiến Hanyu tiếp tục lỡ hẹn với Grand Prix Final và Giải vô địch toàn Nhật Bản.

Tháng 3/2019, Hanyu trở lại thi đấu tại Giải vô địch thế giới 2019 (Saitama, Nhật Bản) dù chấn thương vẫn chưa khỏi hẳn.[21] Anh thi không tốt phần thi ngắn do nhảy hỏng cú 4S.[22] Phần thi tự do anh thực hiện khá tốt, dù mắc một số lỗi khiến bị trừ điểm. Anh lập kỷ lục thế giới mới với 206,10 điểm (phần thi tự do) và 300,97 điểm (điểm tổng). Chung cuộc, anh giành huy chương bạc.[23] Trả lời phỏng vấn sau giải đấu, Hanyu bộc lộ sự tiếc nuối và khẳng định đã có thêm động lực để tiếp tục thi đấu, bao gồm cả việc thực hiện đủ 6 loại quad, đặc biệt là quad Axel.[24]

Mùa giải 2019-2020: Super Slam đơn nam đầu tiên

Trong mùa giải này, Hanyu tái sử dụng bài thi của mùa giải 2018-2019 với cấu trúc dự kiến được tăng cường độ khó.

Tháng 9/2019, Hanyu mở đầu mùa giải 2019-2020 bằng chiến thắng tại giải Autumn Classic International (Canada) với tổng số điểm là 279,05.[25]

Tháng 10/2019, Hanyu thi đấu tại giải Skate Canada International thuộc khuôn khổ Grand Prix. Tại đây, Hanyu ghi được 109,60 điểm cho bài thi ngắn, 212,99 điểm cho bài thi tự do, giành huy chương vàng với tổng điểm 322,59.[26] Trong giải đấu này, Hanyu trở thành người đầu tiên thực hiện thành công tổ hợp cú nhảy 4T+1Eu+3F trong thi đấu chính thức.

Tháng 11/2019, Hanyu dự giải Grand Prix tiếp theo là NHK Trophy (Nhật Bản). Anh thi khá tốt phần thi ngắn, đạt 109,34 điểm. Trong phần thi tự do, Hanyu nhảy hỏng tổ hợp 4T+1Eu+3F, được 195,71 điểm. Chung cuộc anh vô địch với 305,05 điểm tổng và giành tấm vé tham dự Grand Prix Final 2019-2010.

Đầu tháng 12/2019, tại Grand Prix Final 2019-2020, anh thi không tốt ở cả 2 phần thi, được 291,43 điểm tổng, chung cuộc anh giành huy chương bạc.

Giữa tháng 12, Hanyu tham dự Giải vô địch toàn Nhật Bản. Anh thực hiện khá tốt phần thi ngắn, lập kỷ lục cá nhân mới và tạm thời dẫn đầu[27]. Tuy nhiên, do lịch thi đấu dày đặc khiến mệt mỏi tích tụ (trong vòng 4 tuần, anh đã tham gia liên tiếp 3 giải đấu tại 3 quốc gia khác nhau) và bị lên cơn hen trước khi thi đấu, anh không đủ sức thực hiện tốt phần thi tự do, liên tục mắc lỗi ở các cú nhảy và xếp thứ 2 phần thi này. Chung cuộc, anh giành huy chương bạc, xếp sau Uno Shoma.

Đầu tháng 2/2020, Hanyu gây bất ngờ khi đột ngột thay đổi bài thi bằng cặp bài thi tiêu biểu của mình là "Ballade no. 1" và "SEIMEI" để thi đấu tại Four Continents 2020.[28] Việc thay đổi bài thi giữa mùa giải là rất hiếm vì đa số vận động viên cần nhiều thời gian để thích nghi với một cặp bài thi duy nhất trong một mùa giải, hơn nữa, bài thi tự do "SEIMEI" vốn được thiết kế theo luật thi cũ. Tại giải này, anh phá vỡ kỷ lục thế giới của chính mình với 111,82 điểm cho bài thi ngắn[29]. Trong phần thi tự do, Hanyu thực hiện không tốt cú nhảy 4Lz mở màn và tổ hợp 4T+1Eu+3S, ngã ở cú 4T thứ hai, anh được 187,60 điểm cho phần thi này, tổng điểm 299,42 giúp Hanyu vô địch Four Continents lần đầu tiên[30], đồng thời giành được danh hiệu Super Slam - danh hiệu mà chưa một vận động viên đơn nam nào đạt được.[31]

Mùa giải 2020-2021

Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hanyu quyết định không tham gia các giải thuộc chuỗi Grand Prix trong mùa này[32].

Cuối tháng 12/2020, Hanyu trở lại thi đấu sau hơn 10 tháng vắng bóng tại giải Vô địch quốc gia Nhật Bản. Trong mùa giải này, Anh sử dụng 2 bài trượt mới là "Let me entertain you" và "Heaven And Earth" (Ten to Chi to). Anh trượt khá tốt bài thi ngắn và đạt 103,53 điểm, bài thi tự do anh thực hiện hoàn hảo tất cả các yếu tố kỹ thuật và đạt 215,83 điểm, anh dẫn đầu cả hai phần thi với 319,36 điểm và giành được danh hiệu vô địch quốc gia thứ 5 về tay.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hanyu Yuzuru http://goldenskate.com/articles/2009/jw_ml.shtml http://web.icenetwork.com/news/article.jsp?ymd=200... http://www.isuresults.com/bios/isufs00010967.htm http://www.isuresults.com/results/gpf1415/CAT001RS... http://www.isuresults.com/results/season1516/gpf15... http://www.isuresults.com/results/season1516/gpjpn... http://www.xinhuanet.com/english/2019-03/21/c_1379... http://www.japantimes.co.jp/sports/2016/04/26/figu... http://skatingjapan.jp/National/2004-2005/Figure/A... http://skatingjapan.jp/National/2006-2007/Figure/n...